Giá axit sulfuric, nguyên liệu trong sản xuất phân bón, tại Trung Quốc ngày 23/9 là 238 nhân dân tệ/tấn (33 USD/tấn), tăng hơn 4% so với ngày trước đó.Giá lưu huỳnh cũng tăng 1% so với ngày trước đó lên 1.256 nhân dân tệ/tấn (176 USD/tấn).
Diễn biến giá axit sulfuric tại Trung Quốc. Nguồn: Sunsirs
Giá axit sulfuric, nguyên liệu trong sản xuất phân bón, tại Trung Quốc ngày 23/9 là 238 nhân dân tệ/tấn (33 USD/tấn), tăng hơn 4% so với ngày trước đó sau khi đi ngang từ cuối tháng 8. Tuy tăng nhưng giá mặt hàng này vẫn thấp hơn cuối tháng 6 hơn 70%.
Giá lưu huỳnh cũng tăng 1% lên 1.256 nhân dân tệ/tấn (176 USD/tấn). Từ tháng 8, giá mặt hàng này dường như đi ngang và biến động nhẹ trong hôm nay.
Giá ure giao ngay tại Trung Quốc ngày 2.553 nhân dân tệ/tấn (359 USD/tấn), tăng 0,5% so với ngày trước đó. Tuy tăng nhưng giá mặt hàng này vẫn thấp hơn cuối tháng 6 khoảng 18%.
Giá DAP là 3.983 nhân dân tệ/tấn (560 USD/tấn), cũng tăng dưới 1% so với ngày trước đó. Tuy tăng nhưng giá DAP vẫn đang thấp hơn cuối tháng 7 khoảng 18%.
Giá photpho vàng giữ nguyên 36.500 nhân dân tệ/tấn (5.138 USD/tấn) nhưng đang cao hơn đáy đầu tháng 8 khoảng 38%.
Về thị trường Trung Đông, giá ure tương lai là 707,5 USD/tấn, đi ngang kể từ ngày 16/9. Giá mặt hàng này đang thấp hơn đỉnh cuối tháng 8 là 9%.
Theo 2Nông, các chuyên gia cho rằng mặt bằng giá phân bón có thể thay đổi theo chiều hướng tăng lên đến năm 2023. Nhận định trên có thể có căn cứ vì mặt bằng phân bón luôn thay đổi khi thế giới xuất hiện vấn đề nghiêm trọng. Theo quan sát những tháng đầu năm 2022, khi những vết tích của dịch Covid-19 đã lắng dịu, kinh tế toàn cầu đã bắt đầu cải thiện, nhưng cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra, khiến giá phân bón một lần nữa xác lập kỷ lục mới trong vòng 50 năm trở lại đây.
2Nông cho rằng hiện tại, vấn đề lớn nhất để các chuyên gia đưa ra lập luận về việc thế giới sẽ có mặt bằng giá phân bón mới đến năm 2023 là khủng hoảng khí đốt trong thời gian cao điểm sản xuất mùa vụ. Khí đốt là nỗi lo to lớn của các doanh nghiệp phân bón ở châu Âu. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp phân bón khu vực này tạm dừng hoạt động, hoặc có thể đóng cửa vĩnh viễn. Là khu vực sản xuất amoniac chủ chốt, việc đóng cửa hoạt động đang phá vỡ cân bằng nguồn cung đạm, amoni… trên thế giới.
Tuy nhiên, khi nhìn về vấn đề nhu cầu tiêu thụ phân bón, các chuyên gia nhận định mặt bằng giá chỉ tăng nhẹ mà không tăng quá cao. Thực tế cho thấy, các nông dân hiện giờ đang có tâm lý thắt chặt chi tiêu. Với việc giá nông sản không tăng hoặc thậm chí tăng rất chậm, so với tốc độ tăng giá các chi phí vật tư đầu vào khiến không ít nông dân bỏ ruộng, khiến nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân giảm đi rõ rệt, theo thông tin từ 2Nông.
Về thị trường trong nước, giá ure đã có biến động nhẹ vào đầu tuần. Khảo sát giá mới nhất của 2Nông tại khu vực Tây Nam Bộ cho thấy các mặt hàng ure tăng 10.000 đồng/bao 50 kg so với tuần trước. Cụ thể, ure Cà Mau đang có giá 805.000 đến 815.000 đồng/bao. Ure Phú Mỹ đang có giá 775.000 đến 785.000 đồng/bao.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu, cả nước xuất khẩu trên 1,2 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 792 triệu USD, giá trung bình 644,9 USD/tấn, tăng 41,4% về khối lượng, tăng 167,9% về kim ngạch và tăng 89,4% về giá so với 8 tháng đầu năm 2021.
Riêng tháng 8, Việt Nam xuất khẩu 117.973 tấn phân bón các loại, đạt 70,6 triệu USD, giá 598,2 USD/tấn, tăng 4,7% về khối lượng, nhưng giảm 6% kim ngạch và giảm 10,3% về giá so với tháng 7.